Viết bởi Ban quản trị Thứ sáu, 26 Tháng 6 2015 19:59
1. Đọc THẬT KỸ đề. Đọc kỹ từng chữ trong đề, phân tích từng ý hỏi để nắm được các vấn đề cần giải quyết. Mỗi câu hỏi có nhiều ý, cần tách rõ và giải quyết từng ý, khi trình bày cũng xử lí từng ý để người chấm có thể cho điểm theo ý.
2. Câu khảo sát: KHÔNG VẼ ĐỒ THỊ BẰNG BÚT CHÌ, trình bày theo thứ tự các ý hỏi, chú ý viết cẩn thận các điều kiện, không vẽ đồ thị vượt quá độ dài 2 trục OX và OY.
3. Câu hình: Cũng không được dùng bút chì (trừ hình tròn), vẽ hình to, rõ. Hình không gian thì chú ý nét liền, nét đứt. Hình oxy thì cố gắng vẽ thật chính xác, có thể vẽ nháp nhiều hình để quán sát tính chất. Trình bày câu hình chú ý chi tiết, rõ ý cho từng ý hỏi. Người chấm sẽ nắm ý của mình dễ hơn, đôi khi có nhầm lần trong lúc viết nhưng đại thế đúng, ý rõ ràng, mạch lạc thì người chấm vấn châm trước được.
4. Các bài toán về phương trình, hệ, bất phương trình việc đầu tiên là đặt điều kiện, Riêng đối với phương trình logarit đến 90% các bài toán sẽ phải loại bớt nghiệm do điều kiện. Nếu không tìm được điều kiện thì sau khi tìm được nghiệm cần thay trở lại phương trình để kiểm tra. Khi đó chúng ta cần chú ý việc viết dấu suy ra và dấu tương đương cho hợp lý. (TUYỆT ĐỐI CHÚ Ý VIỆC VIẾT DẤU SUY RA, TƯƠNG ĐƯƠNG HỢP LÝ vì rất nhiều học sinh mất điểm ở lỗi này). CHÚ Ý dấu khi biến đổi vế phương trình...
5. Khi cần dùng đến các công thức nên viết công thức tổng quát trước rồi mới thay số, để nếu có sai sót trong quá trình tính toán thì người chấm cũng có thể châm trước cho các em điểm ở việc hướng làm đúng.
6. Khi trình bày không nên bỏ bước, phải coi như mình đang trình bày cho một bạn rất dốt về Toán. Chú ý việc chia ý 1 điểm thành 4 ý nhỏ, chia ý 0.5 điểm thành 2 ý nhỏ trong việc trình bày. Xem kỹ barem chấm điểm thi ĐH, CĐ, tốt nghiệp các năm trước để biết được các điểm được tính ở ý nào.
7. Trình bày THOÁNG – SẠCH SẼ, DỄ NHÌN bài thi, không nên viết chữ quá dày, viết số và tham số rõ ràng để tránh tình trạng người chấm nhìn nhầm. Khi bị sai chỉ cần gạch ngang phần sai và ghi xuống dưới làm lại câu… ý… Nhiều bạn thường mất điểm ở các câu dễ do phần xóa đi và phần làm bài xen kẻ nhau nên khi chấm dễ bị bỏ sót. Cuối mỗi bài toán nên có một câu kết luận. Có thể là viết lại đáp số hoặc trả lời câu hỏi của đề bài để người chấm thi biết được thí sinh đã kết thúc bài đó hay chưa và có cảm tình hơn khi chấm bài.
8. Nháp cẩn thận nhưng không nên nháp quá nhiều, gây mất thời gian và dễ sai, nhầm lẫn khi chép từ giấy nháp vào bài làm. Xem giấy nháp như là công cụ hỗ trợ chứ đừng làm xong trên nháp mới chép vào bài thi.'
9. PHẢI DÀNH 5-10 phút để soát lại bài, đặc biệt là khi soát cần lưu ý đến các sai sót mà bản thân các em hay gặp phải và tránh việc nhầm lẫn, bỏ sót ý nào đó.
10. Cuối cùng thầy cứ phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần HÃY CẨN THẬT HẾT SỨC KHI LÀM BÀI THI, công sức cả năm ôn rồi, đừng để vì chủ quan, sơ ý mà mất đi 0.25 điểm, làm được có 7 câu chẳng hạn mà lại bị trừ mất 2 chỗ 0.25 điểm vì những cái lỗi sơ ý không đáng có thì quả là uất, đặc biệt là năm nay lại không làm tròn, có khi hơn kém nhau có 0.25 điểm thôi mà người đỗ kẻ trượt rồi.
Thạc sĩ Nguyễn Bá Tuấn – giáo viên Trung tâm Hocmai.vn Online ( theo Dân Trí)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|
BẢN QUYỀN THUỘC VỀ TRƯỜNG THPT BẮC TRÀ MY
Địa chỉ: Thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng nam. Tel: (0510) 389 3422.